Tâm sự thực tập xin mến chào tất cả các bạn! Chúng ta lại may mắn gặp nhau trong thế giới có hàng tỷ người. Ngày hôm nay hãy cùng ở lại đây, tâm sự và chia sẻ với chúng tui những gì bạn hiểu hay chưa hiểu về Local Charge trong Logistics – Xuất nhập khẩu nhé!
Trước khi đi vào trọng tâm của bài viết này hãy xem bọn mình lấy 1 ví dụ khá cụ thể cho các bạn để dễ hình dung ra nhé. Không biết các bạn đã tự mua vé máy bay bao giờ chưa? Hay là đã tìm hiểu cách mua ở trên mạng chưa? Rồi thì các bạn đã bao giờ được nghe đến các loại vé máy bay “0 đồng” của Vietjet, Bamboo, Vietnam airline,…. Nhưng đến khi hỏi chi phí thì lại lên đến tận triệu bạc? Đó là bởi vì chúng ta còn phải tính thêm các phụ phí khác như phí dịch vụ, phí soi chiếu hành lý, phí thu hộ,…của hãng bay. Thì Logistics – Xuất nhập khẩu cũng gần giống y chang như vậy các bạn à ^^
Bài viết dưới đây sẽ phần nào cho các bạn hiểu hơn về các chi phí “Local Charge” trong Logistics – Xuất nhập khẩu mà chắc chắn ai trong nghề cũng sẽ bắt gặp nha!
Let’s go
LOCAL CHARGE HIỂU ĐƠN GIẢN NHƯ THẾ NÀO?
Chúng ta có thể hiểu nó đơn giản như ví dụ trên mà Team đưa cho các bạn khi mua vé máy bay, đối với ngành Logistics – Xuất nhập khẩu thì các chi phí vận tải đơn thuần từ cảng đi đến cảng đích được gọi là cước vận tải (ocean/ air freight) và phụ phí (surcharges).
Ngoài ra hãng vận tải còn thu “local charge” là phí địa phương được trả tại cảng đi và cảng dỡ để hãng vận tải thực hiện một số công việc đưa hàng hóa xếp lên tàu/máy bay. Shipper và consignee đều phải đóng local charge và phí này sẽ được thu theo hãng tàu và cảng.
CHÚNG TA SẼ BẮT GẶP NHỮNG LOẠI LOCAL CHARGE NÀO?
THC (Terminal Handling Charge)
- Phụ phí xếp dỡ tại cảng: là khoản phí thu trên mỗi container để bù đắp chi phí cho các hoạt động làm hàng tại cảng, như: xếp dỡ, tập kết container từ CY (Container Yard) ra cầu tàu… Thực chất cảng thu hãng tàu phí xếp dỡ và các phí liên quan khác và hãng tàu sau đó thu lại từ chủ hàng (người gửi và người nhận hàng)
D/O (Delivery Order)
- Phí lệnh giao hàng: Đây là phí mà hãng tàu và đại lí hãng tàu thu để phát hành lệnh giao hàng cho khách hàng. Khi hàng cập cảng thì hãng tàu và đại lý hãng tàu sẽ gửi thông báo hàng đến, Consignee muốn nhận hàng thì phải đến hãng tàu/fwd để lấy D/O và bị thu phí Lệnh giao hàng.
CFS (Container Freight Station)
- Phí khai thác hàng lẻ tại kho. Phí này chỉ áp dụng cho hàng lẻ (LCL) và tính theo từng khối hàng. Khi hàng hóa không nguyên container xuất đi nước ngoài, các công ty Consol/fwd sẽ tập kết hàng vào kho CFS của cảng sau đó đóng hàng vào container. Ngược lại với hàng nhập, sau khi container nhập về được đưa vào bãi trung tâm, đại lí gom hàng lẻ sẽ làm thủ tục để mở container và đưa hàng vào kho CFS để khách hàng làm thông quan và lấy hàng tại kho. Đại lí hãng tàu thu CFS để bù đắp vào chi phí này.
CIC (Container Imbalance Charge)
- Phí cân bằng vỏ container rỗng: Đây là một loại phụ phí cước biển mà các hãng tàu chợ thu để bù đắp chi phí phát sinh từ việc điều chuyển (re-position) một lượng lớn container rỗng từ nơi thừa đến nơi thiếu.
DOC (Documentation fee) hoặc Bill Fee
- Phí chứng từ: Khi có lô hàng xuất khẩu, các hãng tàu/fwd sẽ phát hành Bill of lading (đối với vận tải biển) hoặc Airway Bill (đối với vận tải hàng không) và thu phí này
CLE (Cleaning fee)
- Phí vệ sinh container: Sau khi khách hàng mượn cont rút hàng ở kho, tùy theo từng loại hàng sẽ để lại những vết bẩn và dầu máy móc thì hãng tàu phải thuê dịch vụ làm sạch trước khi đưa vào sử dụng vận chuyển cho những lô hàng tiếp theo
Handling Fee
- Phí đại lý do các fwd đặt ra để thu Shipper/Cnee. Handling là quá trình một công ty logistics/fwd giao dịch, làm việc với đại lý của họ ở nước ngoài để thỏa thuận về việc đại diện cho đại lý ở nước ngoài tại Việt Nam thực hiện một số công việc như khai báo Manifest với cơ quan hải quan, phát hành B/L, D/O và các giấy tờ khác liên quan
Amendment Fee
- Phí chỉnh sửa B/L: Khi hãng tàu đã phát hành B/L cho Shipper nhưng sau đó Shipper lại yêu cầu hãng tàu/fwd chỉnh sửa một số chi tiết trên B/L khi đã quá hạn sửa Bill cho phép thì sẽ bị thu phí
Telex Surrender Fee
- Phí điện giao hàng: Phí này sẽ phát sinh khi thực hiện Surrendered B/L
⇒ Ngoài ra vẫn còn có một số Local charge khác như phí niêm phong chì, phí quản lý thiết bị, phí chạy điện (hàng lạnh), phụ phí mùa cao điểm,…
Chà… tâm sự đến đây chắc các bạn cũng đã hiểu được tổng quan về “Local Charge” rồi đúng không? Còn điều gì bạn chưa biết hay chưa hiểu rõ. Hãy theo dõi, chia sẻ và đọc các bài viết trên Web và Fanpage của Tâm sự thực tập nhé ♥♥♥
Dự án đồng hành cùng sinh viên thực tập
Xem thêm:
Vận đơn (Bill Of Lading) là gì?
Invoice trong ngành Xuất nhập khẩu – logistics?